“Nguồn cầu bền vững là động lực cho thị trường bất động sản”

755

(ĐTCK) Đó là chia sẻ của ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở, CBRE Việt Nam với Đầu tư Bất động sản khi nhìn nhận về câu chuyện thích nghi của doanh nghiệp địa ốc, của thị trường thời hậu Covid-19.

“Nguồn cầu bền vững là động lực cho thị trường bất động sản”

Ảnh: Thành Nguyễn

Dù công tác chống dịch đã được triển khai hiệu quả ở trong nước trong suốt thời gian qua, nhưng khi trao đổi với nhiều thành viên thị trường, có các ý kiến cho rằng giai đoạn khó khăn nhất vẫn còn ở phía trước, đặc biệt khi dịch Covid-19 lần 2 đã trở lại. Vậy theo ông, các doanh nghiệp địa ốc nên có tâm thế như thế nào để một mặt vừa duy trì hoạt động kinh doanh, mặt khác có sự chuẩn bị tốt cho những sóng gió có thể ập đến?

Nói về tình hình dịch bệnh thì thực tế nó đang có diễn biến phức tạp và Việt Nam cần phải có phương án dự trù cho những tình huống xấu hơn có thể xảy ra.

Cũng phải thừa nhận một điều rằng, dịch bệnh diễn ra trong thời gian dài đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, mức độ ảnh hưởng của nó đối với cung và cầu trên thị trường địa ốc có những sự khác biệt nhất định.

ảnh 1

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt
Cụ thể, về nguồn cung thì trong 6 tháng đầu năm 2020, nguồn cung căn hộ bán tại TP.HCM giảm 39% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết các dự án đều gặp phải vấn đề chậm trễ về pháp lý. Đây cũng là nguyên nhân làm sụt giảm nguồn cung giai đoạn 2019. Và việc giãn cách xã hội trong quý II do tình hình dịch bệnh Covid-19 đã gây khó khăn không nhỏ cho công tác triển khai bán hàng của nhiều dự án.

Về nguồn cầu, việc sụt giảm nguồn cung cũng gián tiếp tạo ra sự sụt giảm của lượng căn hộ giao dịch thành công trong 6 tháng đầu năm. Tính đến hết tháng 6, lượng căn hộ giao dịch thành công chỉ đạt 5.268 căn, giảm 49% so với cùng thời điểm 2019. Tình hình dịch bệnh đã có những ảnh hưởng không nhỏ đối với tình hình kinh tế chung và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tài chính của đại đa số khách hàng.

Vậy có điểm gì với tâm lý khách hàng cần lưu ý, thưa ông?

Đối với các khách hàng là nhà đầu tư thì họ cân nhắc rất nhiều khi quyết định đầu tư, đặc biệt là những khách hàng đầu tư vào phân khúc cao cấp. Ngoài ra, việc tạm ngưng các chuyến bay quốc tế và việc hạn chế đi lại giữa các quốc gia đã làm sụt giảm số lượng nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Chỉ riêng lượng khách hàng có nhu cầu ở thực nhìn chung không suy giảm nhiều do nhu cầu nhà ở vẫn là một nhu cầu rất lớn tại TP.HCM.

Vậy còn giải pháp ứng phó thì sao?

Để đối phó với tình hình thị trường diễn biến phức tạp sắp tới, các chủ đầu tư cần có những giải pháp và phương án từ ngắn hạn đến dài hạn để kịp thích ứng. Theo tôi, các chủ đầu tư cần tiếp tục công tác hoàn chỉnh pháp lý cho các dự án để đủ điều kiện triển khai. Tập trung vào việc khai thác khách hàng tại thị trường nội địa, đặc biệt là đối với những dự án cao cấp và hạng sang. Các chủ đầu tư cần tập trung vào những chiến lược giá phù hợp, chính sách hỗ trợ thanh toán, tài chính cho khách hàng.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư vẫn cần phải duy trì mối liên hệ và hỗ trợ cho những khách hàng nước ngoài đã và đang đầu tư tại Việt Nam. Điều này sẽ tạo niềm tin và duy trì được sự tin tưởng của nhóm khách hàng này vào thị trường Việt Nam.

Về dài hạn, các chủ đầu tư cần có những sự thay đổi về định hình sản phẩm bao gồm: chủng loại sản phẩm, diện tích căn hộ, điều kiện bàn giao, chính sách giá, phương thức hỗ trợ,… để phù hợp hơn với sự biến động của thị trường.

Ngoài ra, đây cũng là cơ hội cho các chủ đầu tư có tài chính mạnh có thể tìm kiếm thêm các quỹ đất để mở rộng đầu tư trong tương lai.

Vậy với các sản phẩm, sau đại dịch lần này, theo ông có cần có sự điều chỉnh gì không?

Theo tôi, thành viên thị trường cần nhìn nhận lại đâu là nguồn cầu bền vững để duy trì động lực cho thị trường. Trên thực tế, nguồn cầu bền vững đến từ nhóm khách hàng có nhu cầu ở thực vẫn cao tại TP.HCM.

Chính vì thế, các chủ đầu tư cần có những phương án điều chỉnh về sản phẩm, chính sách, hỗ trợ để nhắm vào nhóm khách hàng này để duy trì sự ổn định cho thị trường.

Có giai đoạn khi thị trường suy yếu, các chủ đầu tư đã giảm diện tích căn hộ, nhất là với phân khúc hạng sang để dễ bán hàng. Ông nhìn nhận gì về câu chuyện này?

Về bản chất, việc giảm diện tích căn hộ sẽ giúp giảm giá thành căn hộ. Qua đó, sẽ giúp cho khách hàng dễ dàng tiếp cận với các căn hộ này hơn. Tuy nhiên, việc giảm diện tích căn hộ phải phù hợp với từng nhóm phân khúc sản phẩm cho từng nhóm nhu cầu khách hàng.

Đối với phân khúc cao cấp, hạng sang thì việc giảm diện tích chỉ phù hợp đối với nhóm sản phẩm phục vụ nhu cầu cho thuê tại khu vực trung tâm (nhóm sản phẩm studio, 1 phòng ngủ, dual key…) nhằm mục đích giảm giá bán và thu hút nhóm khách hàng mua để đầu tư và cho thuê.

Riêng đối với nhóm sản phẩm phục vụ cho nhu cầu ở thực của các khách hàng cao cấp thì việc giảm diện tích vô hình trung sẽ giảm đi trải nghiệm sống và chất lượng của sản phẩm. Cần lưu ý rằng, nhóm khách hàng này là những người có nhu cầu đòi hỏi một chất lượng sống rất cao.

Vậy còn với phân khúc bình dân?

Đối với phân khúc tầm trung, bình dân, việc giảm diện tích căn hộ sẽ giúp rất nhiều khách hàng có nhu cầu ở thực tiếp cận được các sản phẩm căn hộ. Nhìn chung, nhóm khách hàng này sẽ tập trung nhiều về nhu cầu một căn nhà để ở hơn là trải nghiệm chất lượng sống tối ưu. Tuy nhiên, các sản phẩm căn hộ vẫn phải đảm bảo không gian sinh hoạt đủ cho các gia đình điển hình. Ngoài ra, các không gian tiện ích chung vẫn phải được đầu tư phù hợp cho nhu cầu chung của cư dân sinh sống bên trong.