Quy hoạch ĐBSCL: Ưu tiên phát triển trồng, chế biến rau màu, trái cây

614

Theo khung định hướng phát triển đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, việc phát triển lĩnh vực trồng, chế biến rau màu trái cây sẽ được đưa lên ưu tiên hàng đầu.

Năm 2019, khu vực đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh, thành đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% nuôi trồng thuỷ sản và 60% lượng trái cây của cả nước.

Tuy đạt được một số thành tựu về phát triển kinh tế- xã hội song những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng lớn của vùng.

GDP bình quân đầu người ở vùng vẫn thấp hơn mức bình quân chung cả nước và khu vực này vẫn bị xếp vào nhóm vùng nghèo cùng với vùng Tây Nguyên, trung du và miền núi phía Bắc.

Các hoạt động có thu nhập cao hơn trong vùng như nuôi trồng thuỷ sản được gia tăng nhưng gây ra không ít rủi ro như khai thác quá mức tài nguyên nước, ô nhiễm môi trường.

Sáng 20/11/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo tham vấn về “Định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” tại thành phố Cần Thơ, nhằm ghi nhận các “chất liệu” quan trọng từ tham luận của các chuyên gia, đại diện một số tỉnh trong vùng,…làm cơ sở hoàn thiện dự thảo Quy hoạch.

Cụ thể, ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triền bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững khu vực này đến 2030, tầm nhìn đến 2050 theo phương pháp tích hợp đa ngành mà Luật Quy hoạch quy định.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đến nay, Quy hoạch trên đã hoàn thành và đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương cùng các cơ quan liên quan để hoàn thiện.

Quy hoạch ĐBSCL: Ưu tiên phát triển trồng, chế biến rau màu, trái cây ảnh 1
Thứ trưởng Trần Quốc Phương chủ trì Hội thảo tham vấn về “Định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Ảnh: HP).

Dự kiến trong tháng 12/2020 sẽ báo cáo trình Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 12/2020.

Thuộc Khung định hướng phát triển đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đại diện liên danh tư vấn Royal Haskoning DHV & GIZ đề xuất định hướng phát triển cụm liên kết ngành kinh tế nông nghiệp.

Theo đó, lịch sử phát triển ngành kinh tế nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long trong những thập niên gần đây được chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn tập trung vào sản xuất lúa gạo trên diện rộng từ thời giải phóng cho tới khoảng năm 2000 và giai đoạn 2 từ năm 2000 đến nay, với sự chuyển trọng tâm sang thuỷ sản và cây trái, rau màu.

Giai đoạn thứ hai có bốn đặc trưng đáng chú ý.

Thứ nhất, việc phát triển thuỷ sản và rau màu, cây trái chủ yếu dựa trên khai phá đất rừng, nhất là rừng ngập mặn. Trong vòng hơn 10 năm, một diện tích lớn rừng tự nhiên bị khai thác để nuôi trồng thuỷ sản.

Thứ hai là quá trình phát triển ngành thuỷ sản đa số là tự phát, quy hoạch hạ tầng thiếu đồng bộ dẫn đến ô nhiễm nước cũng như khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến cạn kiệt nguồn nước ngầm và sụt lún đồng bằng.

Thứ ba, tuy giá trị sản phẩm đầu ra có xu hướng tăng nhưng đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu,…chưa thể chủ động nên giá còn tăng nhanh hơn.

Thứ tư, việc đầu tư manh mún, nhỏ lẻ trong lĩnh vực thuỷ sản khiến cho năng suất chưa được cao và gây khó khăn cho chế biến, giá trị gia tăng thấp.

Quy hoạch ĐBSCL: Ưu tiên phát triển trồng, chế biến rau màu, trái cây ảnh 2
Nông dân cho cá tra ăn tại vùng nuôi ở tỉnh An Giang (Ảnh minh hoạ: Lê Toàn).

Vì vậy, theo định hướng phát triển tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp vùng, đầu tiên sẽ giảm diện tích trồng lúa nhưng phải nâng cao hiệu quả.

Cụ thể về quy mô, giảm diện tích trồng lúa đến năm 2030 tổng diện tích trồng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long khoảng 1,42 triệu hecta và còn 1,36 triệu hecta vào 2050.

Về cơ cấu, chuyển nhanh diện tích lúa 3 vụ sang lúa 2 vụ và luân canh với một vụ rau màu hoặc thuỷ sản có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thứ hai, tăng diện tích, nâng cao hiệu quả canh tác, chế biến rau màu, trái cây.

Trong định hướng của ngành nông nghiệp, lĩnh vực này đứng vai trò quan trọng thứ hai sau thuỷ sản và trên lúa. Tuy nhiên, Quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long định hướng phát triển lĩnh vực này lên ưu tiên hàng đầu.

Đây là lĩnh vực có tiềm năng phát triển đa dạng nhất, với khả năng đưa những giống mới giá trị cao, kỹ thuật cao.

Trong khi việc cải tiến giống lúa cao cấp và các giống thuỷ hải sản cao cấp để tăng giá trị còn gặp khó khăn về mặt kỹ thuật thì khả năng áp dụng vào lĩnh vực rau, hoa màu, trái cây được đánh giá còn rất tiềm năng.

Thêm vào đó, một yếu tố quan trọng khác là mức độ phụ thuộc của lĩnh vực này vào điều kiện tự nhiên (đất, nước) thấp hơn hẳn lúa và thuỷ sản.

Quy hoạch ĐBSCL: Ưu tiên phát triển trồng, chế biến rau màu, trái cây ảnh 3
Ông Ian Hamilton, chuyên gia đánh giá biến đổi khí hậu (đại diện Royal Haskoning DHV) chia sẻ tại hội thảo tham vấn (Ảnh: HP).

Đại diện đơn vị tư vấn cho rằng, với công nghệ tiên tiến có thể canh tác năng suất cao trong điều kiện tự nhiên không thuận lợi.

Mặt khác, định hướng giảm diện tích trồng lúa mở ra cơ hội mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản hoặc xen canh với lúa, rau màu tại các tiểu vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp.

Ngoài ra, theo Khung định hướng còn đề xuất thành lập trung tâm đầu mối là nơi tập trung tất cả những sản phẩm dịch vụ của cụm ngành nông nghiệp, được vận hành bởi tổ chức riêng biệt.

Mỗi trung tâm sẽ được xác định ở một vị trí cụ thể và có trọng tâm về một nhóm sản phẩm nông nghiệp cụ thể.

Việc thành lập các trung tâm này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vùng nguyên liệu, diện tích đất có khả năng sử dụng, kết nối giao thông,…

Trung tâm này có ý nghĩa tập trung vào các ngành trong cụm vào một chỗ để tăng hiệu quả tích hợp và hiệu quả cung cấp hạ tầng, logisitics; tăng lợi thế và trọng lượng trong đàm phán, giao dịch nhằm giảm thiểu nguy cơ bị ép giá,…

Đề xuất xây dựng các trung tâm đầu mối được kỳ vọng là khâu đột phá và là nền tảng tạo tiền đề cất cánh cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bởi, các trung tâm phân phối này không chỉ hỗ trợ tăng sản lượng và giá trị của ngành nông nghiệp mà còn được kỳ vọng là mô hình phù hợp trong thời kinh tế số và duy trì phát triển bền vững.