Văn Hoá Làm Việc Tại Singapore: Những Điều Bạn Nên Lưu Ý

1207

Singapore luôn được đánh giá là một trong những môi trường làm việc tốt nhất trên thế giới nhờ vào các điều kiện thuận lợi từ hệ thống kinh tế phát triển và chính trị ổn định. Tuy nhiên, những đặc tính của lực lượng lao động tại đây với sự đa dạng sắc tộc cùng nền văn hóa Châu Á cũng là một trong những nguyên nhân khiến Quốc đảo Sư tử luôn thu hút các doanh nghiệp.

Nếu bạn đang có ý định bắt đầu sự nghiệp hoặc thành lập công ty tại Singapore, chắc chắn bạn nên tìm hiểu về văn hóa làm việc tại đây. Điều này sẽ giúp bạn hạn chế bị sốc văn hóa và nhanh chóng hòa nhập được với nền văn hóa chung của Singapore.

1. Sơ Lược Về Dân Số Singapore

Nhiều năm trở lại đây, ngày càng nhiều các doanh nghiệp nước ngoài xuất hiện và đầu tư nguồn lực của họ vào nền kinh tế Singapore, bởi vì những lý do khác nhau. Cũng vì vậy mà nền văn hóa làm việc tại Quốc đảo Sư tử trở thành một sự dung hợp giữa phương Tây và phương Đông.

Dân số hiện tại của Singapore là 5.915.109 người vào ngày 21/11/2021 theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc.

Ngoài ra, số lượng lớn các doanh nghiệp đã làm Singapore trở thành một môi trường cạnh tranh khốc liệt. Vì vậy mà sẽ rất cần thiết cho bạn để tìm hiểu và thích nghi văn hóa làm việc tại đây, bất kể bạn là chủ doanh nghiệp hoặc nhân viên.

2. Đa Dạng Sắc Tộc

Singapore được biết đến là một quốc gia đa văn hóa và đa sắc tộc. Trong tổng số Công dân, người Trung Quốc chiếm 76,2%, người Malay chiếm 15% và người Ấn Độ góp mặt với 7,4%.

Cũng bởi vì đa sắc tộc, nên có đến 4 loại ngôn ngữ là ngôn ngữ chính của Singapore, bao gồm tiếng Malay, tiếng Anh, tiếng Hoa phổ thông và tiếng Tamil. Trong đó, Malay được xem là ngôn ngữ quốc gia còn tiếng Anh được coi là ngôn ngữ chính được dùng trong giáo dục, làm việc và kinh doanh.

Những dữ kiện trên chứng minh rằng nền văn hóa làm việc tại Singapore phần lớn hướng theo hướng Châu Á. So với phương Tây, thì văn hóa làm việc tại Singapore sẽ phân tầng, định hướng theo nhóm và “gò bó” hơn với các luật lệ.

Nếu bạn có ý định làm việc tại Singapore, lời khuyên là hãy dành một ít thời gian để tìm hiểu về văn hóa làm việc Châu Á nói chung, đặc biệt là văn hóa của người Trung Quốc và Malay nói riêng, vì họ chiếm phần lớn dân số của nước này. Thông thường, sự kính trọng sẽ luôn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bạn luôn tôn trọng đối với các đồng nghiệp cũng như đối tác kinh doanh của mình.

3. Hệ Thống Làm Việc Phân Tầng

Nếu nói về nước phương Tây, nhân viên vẫn thường được khuyến khích cởi mở để trao đổi ý kiến và phản biện với quản lý hoặc đồng nghiệp. Văn hóa làm việc ở Singapore thường đi ngược lại như thế. Đây cũng là điều mà nhiều nhân viên hoặc đối tác nước ngoài thường bị sốc văn hóa khi đến làm việc với một công ty Singapore.

Cách mà các “Singaporean” làm việc thường tuân thủ theo hệ thống phân tầng. Điều này có nghĩa là quyền quyết định sẽ thường nằm gọn trong tay những người có chức vụ cao hơn. Những nhân viên có chức vụ thấp hơn thường chỉ nhận lệnh và chấp nhận làm theo mà không có nhiều sự phản biện.

Vậy nếu bạn là một doanh nhân thì sẽ tốt hơn nếu bạn làm việc trực tiếp với những người có chức vụ cao vì họ có nhiều quyền quyết định và dễ có ảnh hưởng lên các người khác. Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng bạn thể hiện đủ sự kính trọng với họ đặc biệt là với những người lớn tuổi hơn và tránh phê phán trực tiếp và công khai. Tìm cách để nói lên ý kiến của mình một cách khéo léo sẽ góp phần không nhỏ cho thành công của bạn khi làm việc tại Singapore.

4. Tuân Thủ Các Quy Định

Singapore còn được biết đến với số lượng lớn các quy tắc và quy định được người dân tuân theo. Không có ngoại lệ đối với công sở hoặc nơi làm việc.

Giống với các nền văn hóa làm việc ở các nước Châu Á, công việc thường được thực hiện theo khuôn mẫu hoặc quy trình có sẵn. Người Singapore thường hạn chế sự thay đổi trong cách làm việc hoặc trong một tổ chức. Do đó mà họ thường tuân thủ theo các luật lệ ban hành và ít khi nào vi phạm chúng.

Không những vậy, người sử dụng lao động hoặc các sếp là người Singapore thường không khuyến khích nhân viên của họ tiến hành những ý tưởng quá điên rồ. Tuy rằng sự sáng tạo vẫn cần phải đảm bảo trong một số công việc nhưng chỉ ở một mức độ cho phép.

Tuy nhiên, mọi chuyện có vẻ đang chuyển hướng. Vì xu hướng toàn cầu hóa và hiện thực ngày càng có nhiều các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại Singapore, các công ty tại đây đang dần nới lỏng cho nhân viên để có thể sáng tạo và làm việc theo cách riêng của mình.

5. Định Hướng Theo Nhóm

Các công ty Singapore luôn đi theo xu hướng phát triển nhóm hơn là cá nhân. Điều này cũng đồng nghĩa họ ưu tiên kết quả của tập thể hơn là của một người. Nếu ở phương Tây, nhân viên thường phấn đấu cho bản thân và được ghi nhận bởi công ty thì “Singaporean” luôn định hướng đạt mục tiêu theo nhóm, mỗi người sẽ có trách nhiệm riêng và sau đó chia sẻ phần thưởng mà cả nhóm đạt được.

6. Giờ Làm Việc tại Singapore

Thông thường, giờ làm việc ở Singapore là:

  • 9 giờ/ngày hoặc 44 giờ/ tuần nếu làm việc từ 5 ngày trở xuống một tuần, hoặc
  • 8 giờ/ngày hoặc 44 giờ/ tuần nếu làm việc trên 5 ngày một tuần.

Theo Luật Tuyển Dụng và Lao Động (Employment Act) tại Singapore, giờ làm việc tối đa là 12 giờ/ngày. Nhân viên cũng có thể làm việc ngoài giờ, tối đa 72 giờ mỗi tháng, với mức lương gấp 1,5 lần lương mỗi giờ.

Trong nhiều năm liền, Singapore được xem là một trong những đất nước có lực lượng lao động làm việc chăm chỉ nhất thế giới, với nét văn hóa “cuồng công việc”. Nhiều chuyên gia cho rằng lý do nằm ở môi trường cạnh tranh khốc liệt giữa những doanh nghiệp với nhau.

Một số khác thì tin rằng văn hóa làm việc nhiều giờ liền này là một nét văn hóa chung của Singapore. Mọi người dành nhiều thời gian ở công sở để giao tiếp và hòa nhập. Cũng không phải chuyện lạ khi mà nhiều người Singapore vẫn ở lại công sở để hoàn thành công việc mặc dù việc đó có thể được hoàn thành trong ngày mai.

7. Kết Luận

Nhìn chung thì lực lượng lao động tại Singapore có sự đa dạng về văn hóa mà trong đó văn hóa Trung Hoa chiếm phần lớn. Hệ thống làm việc phân tầng rất phổ biến tại đây và tập thể luôn được ưu tiên hơn cả. Ngoài ra, làm việc nhiều giờ cũng trở thành một nét văn hóa tại Singapore bởi vì môi trường cạnh tranh giữa nhiều doanh nghiệp tại đây.

Tuy nhiên, vì ngày càng nhiều các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Singapore, nền văn hóa làm việc tại Quốc đảo Sư tử được dự đoán sẽ trải qua một số sự thay đổi trong vài năm tới, mà đặc biệt là trong lực lượng lao động trẻ.